Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đối tượng 4

CÂU HỎI THẢO LUẬN TRONG LỚP HỌC BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG 
Câu 1: Đồng chí trình bày nội dung âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc trong chiến lược “DBHB” của các thế lực thù địch, liên hệ vai trò, nhiệm vụ của CB, ĐV trong phòng chống “DBHB”?. 

    Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược “DBHB” chống chủ nghĩa xã hội.

• Từ đầu năm 1950 đến 1975: Chúng dùng quân sự để xâm lược và muốn biến Việt Nam thành thuộc địa vĩnh viễn của chúng nhưng cuối cùng đã bị thất bại. Chúng chuyển sang chiến lược mới như: “bao vây cấm vận kinh tế”, “cô lập về ngoại giao”, kết hợp với “DBHB”, bạo loạn lật đổ nhằm xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

• Từ năm 1975- 1994: lợi dụng nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội do hậu quả của chiến tranh để lại và sự biến động chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông âu, và các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh “DBHB” đối với Việt Nam.

• Từ năm 1995 đến nay: trước những thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch lại tiếp tục điều chỉnh thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Chúng tuyên bố xoá bỏ “cấm vận kinh tế”, bình thường hoá quan hệ ngoại giao để chuyển sang thủ đoạn mới. - Mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong sử dụng chiến lược “DBHB” đối với cách mạng Việt Nam là thực hiện âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lái nước ta theo con đường chủ nghĩa tư bản và lệ thuộc vào chúng…Để đạt được mục tiêu đó, chúng không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn chống phá nào như sử dụng bạo lực phi vũ trang, bạo lực vũ trang, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội … Chúng chống phá cách mạng nước ta hiện nay là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh vi, thâm độc và nhiều thủ đoạn tinh vi khó nhận biết cụ thể:

• Thủ đoạn về kinh tế: Chúng muốn chuyển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dần theo quĩ đạo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, khích lệ thành phần kinh tế tư nhân phát triển, từng bước làm mất vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước. Lợi dụng sự giúp đỡ, viện trợ kinh tế, đầu tư vốn, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam để đặt ra các điều kiện và gây sức ép về chính trị, từng bước chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa 

• Thủ đoạn về chính trị: Chúng kích động đòi thực hiện chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “tự do hoá” mọi mặt đời sống xã hội, từng bước phá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng tập hợp, nuôi dưỡng các tổ chức, phần tử phản động trong nước và ngoài nước, lợi dụng các vấn đề “dân chủ’, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng. Tận dụng những sơ hở trong đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta, sẵn sàng can thiệp trắng trợn bằng sức mạnh quân sự để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

• Thủ đoạn về tư tưởng văn hoá: Chúng thực hiện nhiều hoạt động nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phá vỡ nền tảng tư tưởng cuả Đảng cộng sản Việt Nam . Lợi dụng xu thế mở rộng hợp tác quốc tế, du nhập những sản phẩm văn hoá đồi trụy, lối sống phương Tây, để kích động lối sống tư bản trong thanh niên, từng bước làm phai mờ bản sắc văn hoá và giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam. 

• Thủ đoạn trong lĩnh vực dân tộc – tôn giáo: Chúng lợi dụng những khó khăn ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo cuả một bộ phận cán bộ để kích động tư tưởng đòi li khai, tự quyết dân tộc. Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để truyền đạo trái phép nhằm thực hiện âm mưu tôn giáo hoá dân tộc, từng bước gây mất ổn định xã hội và làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. 

• Thủ đoạn trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Các thế lực thù địch lợi dụng xu thế mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện xâm nhập, tăng cường hoạt động tình báo thu thập bí mật quốc gia. Chúng kích động đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối với lực lượng vũ trang. Đối với quân đội và công an, các thế lực thù địch chủ trương vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng với luận điệu “phi chính trị hoá” làm cho các lực lượng này xa rời mục tiêu chiến đấu. 

• Thủ đoạn trên lĩnh vực đối ngoại: Các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới để tuyên truyền và hướng Việt Nam theo quĩ đạo của chủ nghĩa tư bản. Tìm cách ngăn cản những dự án đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Đặc biệt chúng rất coi trọng việc chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa, hạ thấp uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tóm lại, để làm thất bại âm mưu của chúng thì từng cán bộ đảng viên phải quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phải nắm rõ những thủ đoạn ngày càng tinh vi của chúng để có biện pháp ứng phó. Góp phần xây dựng nội bộ chi bộ đảng nơi mình sinh hoạt phải thực sự trong sạch và vững mạnh. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, tham nhũng trong cơ quan và trong chi bộ. Nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những biểu hiện gây mất an ninh trật tự của xã hội, vận động những người thân trong gia đình sống và làm theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với nhu cầu xã hội và góp phần thành công trong công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy thì Đảng ta mới ngày càng trong sạch và vững mạnh, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu chống phá của kẻ thù. 

Câu 2: Đồng chí phân tích quá trình chuẩn bị đất nước trong thời bình và chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến. Liên hệ thực tế địa phương? 

   Để ứng phó với những tình huống xấu nhất xảy ra đối với đất nước thì chúng ta cần phải có bước chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt, sau đây là quá trình chuẩn bị đất nước trong thời bình và chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến như sau: 

     Thứ nhất, chuẩn bị về chính trị, tinh thần cho nhân dân: Cần tập trung vào giáo dục chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam, làm cho nhân dân thấy rõ tính chất chính nghĩa của ta, tính chất phi nghĩa của địch, các điểm yếu của vũ khí công nghệ cao, nâng cao lòng tin vào khả năng đánh thắng của ta để nhân dân sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh, bám trụ kiên cường, vừa chiến đấu vừa sản xuất. Đồng thời, huấn luyện cho nhân dân làm tốt công tác phòng thủ dân sự để nhân dân tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Trong thời bình hiện nay, cần gắn nội dung phòng tránh, sơ tán cho nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể trong diễn tập tác chiến trị an của xã, phường, diễn tập khu vực phòng thủ của huyện, tỉnh. 

    Thứ hai, chuẩn bị về kinh tế: Chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng chuyển mọi hoạt động về kinh tế của địa phương theo yêu cầu của chiến tranh, duy trì phát triển sản xuất vừa bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân vừa đáp ứng theo yêu cầu cần chiến tranh. Có kế hoạch dự trữ các loại nguyên liệu, nhiêu liệu... 

   Thứ ba, chuẩn bị lực lượng vũ trang: Phải chuẩn bị toàn diện nhưng đối với địa phương, cơ sở cần tập trung vào chuẩn bị phát triển lực lượng vũ trang (dân quân tự vệ) theo yêu cầu thời chiến, tổ chức quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ động viên quân dự bị bảo đảm đúng, đủ, bí mật, an toàn; chuẩn bị vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu. Phải nắm bắt âm mưu và diễn biến hành động của địch; chuyển đất nước, chuyển địa phương sang thời chiến chính xác, kịp thời, bảo đảm hạn chế thấp nhất tổn thất trong thời gian đầu chiến tranh, nhanh chóng tăng cường sức mạnh trên từng địa phương, góp phần tạo sức mạnh của cả nước để sẵn sàng đối phó với các tình huống chiến tranh. Chuyển đất nước và địa phương sang thời chiến phải rất khẩn trương, bảo đảm bí mật, an toàn, trên cơ sở chuẩn bị tốt từ thời bình để trong một thời gian ngắn phải phát triển lực lượng, triển khai thế trận ... Các địa phương phải hoàn thành các chỉ tiêu động viên trước khi chiến tranh xảy ra, có vậy mới đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Chuyển toàn diện, chiến tranh cần cái gì phải chuyển cái đó, trọng tâm là: - Chuyển hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền sang hoạt động ở trạng thái thời chiến để bảo đảm thường xuyên, liên tục lãnh đạo điều hành chiến tranh và mọi hoạt động của xã hội. - Chuyển lực lượng vũ trang sang thời chiến. Đối với địa phương, cơ sở là chuyển lực lượng dân quân tự vệ và phương tiện kỹ thuật bổ sung cho lực lượng bộ đội thường trực và mở rộng lực dân quân tự vệ sang trạng thái thời chiến, bảo đảm cho dân quan tự vệ kịp thời đánh địch bảo vệ xóm làng. - Chuyển mọi hoạt động về kinh tế sang thời chiến, bảo đảm cao nhất nhu cầu chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang, đồng thời bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân. Đối với cả nước, phải chuyển từng ngành, từng bộ phận, từng khu vực đến chuyển toàn bộ. Đối với từng địa phương cơ sở, chuyển toàn bộ cùng lúc. Trong quá trình chuyển sang thời chiến, cần phải có biện pháp lãnh đạo tốt đổ ổn định tinh thần, tâm lý và đời sống của nhân dân. Liên hệ thực tế địa phương? (chưa biết) 

Câu 3: Đồng chí trình bày nội dung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc. Liên hệ thực tế địa phương? 

     Để xây dựng tốt thế và trận quốc phòng toàn dân thì đảng và nhà nước ta đã đưa ra các phương án như sau: 

    Thứ nhất, xác định và xây dựng địa bàn trọng điểm về quốc phòng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo nguyên tắc xây dựng đi đôi với bảo vệ địa phương. Ở từng địa phương phải xác định được địa bàn trọng điểm về quốc phòng.Theo đó, xây dựng thế trận quốc phòng phải đi liền, đồng bộ, thống nhất với xây dựng và phát triển kinh tế. Phân khu kinh tế, phân bố dân cư họp lí theo ý định, kế hoạch thống nhất; Tổ chức bố trí lực lượng vũ trang, sở chỉ huy, đồi hình chiến đấu vững chắc, nhanh chóng cơ động đối phó với các tình huống, nhất là khi chiến tranh xảy ra. Kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng với phát triển các khu kinh tế, sẽ đảm bảo cho các địa phương đủ sức làm thất bại chiến lược “DBHB” trong thời bình và sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch. 
   
     Thứ hai, xây dựng hậu phương, tạo chỗ dựa vững chắc khi chiến tranh xảy ra. Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã khẳng định: việc kết hợp xây dựng hậu phương chiến lược của cả nước và hậu phương vùng là một nhân tố bảo đảm cho chiến tranh nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển và giành thắng lợi. Ngày nay, kết hợp chặt chẽ bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước trong thời bình, phải đồng thời xây dựng tiềm lực, thế trận hậu phương, tiếp tục hoàn thiện trong chiến tranh, như vậy sẽ xử trí tốt các tình huống xảy ra. 

     Thứ ba, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (thị xã) Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (thị xã), căn cứ, làng xã chiến đấu làm nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân ở địa phương. Tổ chức xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với cải tạo địa hình, xây dựng công trình quốc phòng trọng điểm. Xây dựng thế trận tạo thành sức mạnh tổng hợp, tập trung chủ yếu vào những khu vực phòng thủ then chốt để phòng thủ địa phương, chống mọi âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

    Thứ tư, Triển khai các lực lượng chiến đấu trong thế trận quốc phòng ở địa phương. Bố trí lực lượng trên địa bàn theo một kế hoạch thống nhất, nhưng về cơ bản trong mỗi khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (thị xã), mỗi cụm xã phường phải bố trí lực lượng chiến đấu, nồng cốt là lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ. Các lực lượng chiến đấu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chính trị như đoàn thanh niên, hội phụ nữ,… Bố trí, triển khai các lực lượng đảm bảo phối hợp chặt chẽ cả trong đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh địch trên tất cả các hướng. Phải từng bước xây dựng hệ thống chỉ huy các cấp và hệ thống thiết bị chiến trường, hệ thống thông tin liên lạc…bảo đảm sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống xảy ra. Liên hệ thực tế địa phương? (chưa biết) 

Câu 4: Đồng chí phân tích các quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết các vấn đề tôn giáo. Liên hệ thực tế địa phương. 

   Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thực hiện phương hướng trên, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức về các quan điểm và chính sách sau đây: 

   Thứ nhất, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Hồ Chí Minh nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của tổ quốc; Ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ.” 

   Thứ hai, Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau ; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều nên phải nổ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà.” 

    Thứ ba, Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc ; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo. Trước sự xuyên tạc của kẻ thù về chính sách tôn giáo, Hồ Chí Minh khẳng định “ Vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao Động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người.” Liên hệ thực tế địa phương? (chưa biết)

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

19 điều đảng viên không được làm

 19 ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM

1 - Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
2 - Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố…
3 - Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định…
4 - Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý…
5 - Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên… Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.
6 - Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.
7 - Đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép.
8 - Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ… Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác. Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…
9 - Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án…
10 - Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định…
11 - Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi. 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ảnh: TTXVN
12 - Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.
13 - Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định…
14 - Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.
15 - Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị…
16 - Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
17 - Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma túy; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác…
18 - Mê tín, hoạt động mê tín. Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp…
19 - Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, Tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi. 

                                                                                                            Nguồn: http://giaoduc.net.vn
HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM - TRUNG QUỐC NHƯ MỘT CON ĐĨA ĐÓI ĐANG CỐ TÌM CÁCH HÚT MÁU VIỆT NAM